Việt Nam – Xây dựng cộng đồng ASEAN gắn kết
Ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 28 (AMM-28) tại Brunie, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ bảy của tổ chức này. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã nhanh chóng hội nhập, tham gia sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN và có những đóng góp tích cực trong việc duy trì đoàn kết nội khối, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên cũng như giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài, góp phần không nhỏ vào sự phát triển và thành công của ASEAN ngày hôm nay.
Ngày 01/01/2020 ghi dấu mốc quan trọng khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN và cũng là dịp kỷ niệm 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Với chủ đề Năm ASEAN 2020 là: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Theo đó, Việt Nam mong muốn củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.
Trong vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ có trách nhiệm thúc đẩy và tăng cường lợi ích và sự thịnh vượng của ASEAN; xác định những lĩnh vực hợp tác trọng tâm, đề xuất những sáng kiến và kế hoạch mới; đảm bảo phản ứng kịp thời và hiệu quả với những vấn đề cấp bách hay những tình huống khủng hoảng tác động đến ASEAN…Dưới chủ đề xuyên suốt “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên cho năm 2020. Đây chính là 5 chất keo dính cần thiết để xây dựng một Cộng đồng gắn kết và chủ động thích ứng đó là: “Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của Asean vào công cuộc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; Nâng cao năng lực thích ứng, hiệu quả hoạt động của ASEAN”.
Quá trình hội nhập ASEAN giúp Việt Nam có cơ hội tiếp nhận được thông tin, khoa học-công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại và nguồn lực; nâng cao năng lực thể chế và khả năng xử lý các vấn đề xuyên quốc gia như môi trường, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; đào tạo và nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước cho phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Năm 2020 là một năm đặc biệt với cả ASEAN và Việt Nam. Với ASEAN, đó là tròn 5 năm thành lập Cộng đồng. Còn với Việt Nam, 2020 là 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Như vậy, việc đảm nhận thành công Chủ tịch ASEAN trong năm tới chính là cơ hội để Việt Nam thể hiện năng lực và phát huy vai trò dẫn dắt của mình, đáp ứng sự trông đợi, tin tưởng của các nước thành viên và đối tác. Để tạo ra vận thế mới đó, các bộ, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp và từng người dân phải nhận thức rõ về tâm quan trọng chiến lược hợp tác ASEAN và thấy được những lợi ích, cơ hội to lớn mà ASEAN mang lại. Hãy tự hào và hành động với tinh thần là “Doanh nghiệp ASEAN, công dân ASEAN”. Như vậy, sức sống của ASEAN sẽ lan tỏa rộng lớn, khơi dậy sự chủ động sáng tạo, cùng nhau hợp tác, cùng nhau hành động./.
Nguồn: Kim Ngân – Nhà Văn hóa.