Thứ tư, ngày 16 tháng 07 năm 2025
Thống kê hồ sơ
Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Cập nhật lúc: 05/06/2020

Trẻ em đuối nước nỗi lo mùa hè

 

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em, chiếm 48,8%. Tỷ lệ chết đuối ở trẻ em nước ta cao gấp 10 lần các nước phát triển. 70% trẻ chết đuối và suýt chết đuối ở lứa tuổi dưới 15. Có 53% các trường hợp chết đuối xảy ra khi trẻ em chơi gần ao hồ, sông suối, kênh mương không có sự bảo vệ của người lớn. Những vụ tai nạn đuối nước thương tâm nói trên không chỉ cướp đi sinh mạng của các nạn nhân nhỏ tuổi mà còn gây nên tâm lý hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại các địa phương diễn ra vụ việc.

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người đuối nước ở Việt Nam rất cao, đứng thứ ba chỉ sau tai nạn giao thông và tai nạn lao động. Từ nhiều năm trở lại đây, tai nạn đuối nước luôn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em và vị thành niên tại Việt Nam. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010 - 2015, trung bình hàng năm cả nước có khoảng 2.800 trẻ em bị tử vong do tai nạn đuối nước. Trong đó nhóm tuổi chiếm tỷ lệ tử vong cao từ 5 đến 14 tuổi. Tỷ lệ tử vong do tai nạn đuối nước ở trẻ em chiếm hơn 50% các trường hợp tử vong do tai nạn thương tích. Tử vong do tai nạn đuối nước ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, cao gấp 8 lần các nước phát triển. Điều đó cho thấy tình trạng tai nạn đuối nước của trẻ em tại nhiều địa phương trong cả nước đang ở mức đáng báo động.

Nguyên nhân của thực trạng trên, trước hết là do nhận thức, hiểu biết chung của gia đình và cộng đồng về phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em còn thấp. Điều này không chỉ phổ biến ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà ngay cả các vùng thành thị thì tai nạn đuối nước đối với trẻ em cũng thường xuyên xảy ra. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đuối nước là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Tuy nhiên, nhận thức chung của người dân và toàn xã hội về vấn đề này vẫn còn hạn chế và rất chủ quan. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ em còn thiếu kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi trẻ bị đuối nước. Sự quan tâm, giám sát không đầy đủ của người lớn cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ đuối nước cao ở trẻ em. Thực tế cho thấy có rất nhiều trường hợp trẻ bị đuối nước do rơi xuống sông, suối, ao hồ, cống nước và các vũng nước sâu trong lúc đang vui vẻ nô đùa cùng bè bạn... một phần cũng vì chưa có sự giám sát của gia đình, nhà trường, xã hội - nhất là trong dịp hè và mùa mưa bão.

Một nguyên nhân quan trọng nữa xuất phát từ chính đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em thường hiếu động, ham vui, thích rủ nhau đi tắm biển, sông, suối, hồ... trong khi các em lại không biết bơi, thể lực còn yếu, không có kỹ năng đảm bảo an toàn, xử lý tình huống khi bơi và không có kỹ năng cứu đuối. Trong khi môi trường sống xung quanh trẻ còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn, hệ thống sông ngòi, ao, hồ chằng chịt; nhiều ngôi nhà, trường học gần sông ngòi, ao, hồ không có rào chắn, nhiều hố nước sâu ở khu vực sản xuất, tại các lò gạch, các khu vực khai thác đá, cát... rất nguy hiểm. Ngoài ra, phải kể đến thực trạng đuối nước cả nhóm, đó là khi các em tự cứu lẫn nhau. Do các em chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, thậm chí là không biết bơi cũng lao ra cứu bạn dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị đuối nước tăng lên.

Vừa qua tại xã Cư A Mung, huyện Ea H’Leo vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 3 nữ học sinh tiểu học tử vong. Các nạn nhân được xác định là các cháu: La Thị Mai Anh, 9 tuổi; Long Thị Vy; và Nông Thị Mỹ Lệ, đều 8 tuổi, tất cả là học sinh trường Tiểu học Lê Đình Chinh, xã Cư Amung, huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. Vụ đuối nước xảy ra vào khoảng cuối buổi chiều 30/5/2020, khi người thân các cháu không thấy con em về nhà nên phối hợp cùng bà con lối xóm tổ chức đi tìm kiếm. Khi đến bờ đập thủy lợi Hà Dưng, địa phận thôn 3A, xã Cư A Mung thì phát hiện thấy quần áo, dày dép trẻ em bỏ lại trên bờ.

Một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng đuối nước trẻ em vào mùa hè. Mặc dù các cấp, các ngành, đoàn thể, các cơ quan chức năng luôn có các biện pháp; các chương trình tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em tuy nhiên gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết tận gốc các mối nguy hiểm cho con, em mình khi tham gia các hoạt động trên đường thủy. Phải thường xuyên quan tâm, trông coi trẻ em, đặc biệt là vào mùa hè, trong mùa mưa bão, mùa nước nổi. Khi trẻ em đến bể bơi, đi tắm biển, đến gần ao hồ, sông, suối… phải có người lớn giám sát. Cần phổ biến cho trẻ em những kinh nghiệm, biện pháp, kỹ năng nhằm tránh đuối nước. Dạy cho trẻ em có ý thức phòng ngừa đuối nước trong mọi trường hợp. Cho trẻ học bơi tại các trung tâm thể thao hoặc tự dạy con học bơi khi thể lực, trí lực phù hợp với môn học bơi, cần trang bị kỹ năng bảo đảm an toàn, xử lý tình huống khi bơi như phải khởi động kỹ trước khi xuống nước, xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy./.

Nguồn: Kim Ngân – Nhà Văn hóa

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang