Tăng cường tuyên truyền, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ công trực tuyến cho người dân tộc thiểu số
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đang trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện đời sống người dân. Tuy nhiên, việc tiếp cận DVCTT đối với người dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều thách thức. Một trong những giải pháp nhằm nâng cao tiếp cận DVCTT là tăng cường tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của DVC, từ đó nâng cao nhận thức và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ này.
Những thách thức hiện tại
Trong bối cảnh chính phủ số đang phát triển mạnh mẽ, các cổng dịch vụ công trực tuyến giữ vai trò then chốt, kết nối Nhà nước với người dân và doanh nghiệp. Mặc dù đã có nhiều cải tiến từ năm 2021, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến vẫn chưa đạt yêu cầu và chất lượng dịch vụ còn hạn chế.
Báo cáo nghiên cứu chính sách do Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp thực hiện cho thấy, kết quả đánh giá 63 cổng dịch vụ công (DVC) năm 2024 đã chỉ ra các địa phương đã có một số cải thiện trong việc cung cấp DVCTT so với kết quả rà soát năm 2023. Nhiều cổng DVC đạt mức “tốt” ở 2 tiêu chí “Cung cấp thông tin hỗ trợ” và “Mức độ dễ sử dụng của các công cụ tra cứu”.
Tuy nhiên, tất cả 63 cổng DVC đều có những điểm chưa thuận tiện cho người sử dụng, cho dù họ là công chức hay người dân, nhất là với những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, người khuyết tật.
Theo thông tin từ Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, tại thời điểm tháng 7/2024, tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đối với các DVCTT toàn trình của cấp tỉnh, thành phố mới chỉ đạt 17%.
Kết quả đánh giá Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra rằng, không hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính nào của địa phương đạt mức A và B; có 39 địa phương đạt mức C; 15 địa phương đạt mức D và 9 địa phương có kết quả đánh giá mức E.
Theo kết quả đánh giá, nhìn chung, các cổng DVC chưa đáp ứng nhu cầu của người dùng, chưa đạt được mục đích cuối cùng là tạo sự thuận tiện khi thực hiện các thủ tục hành chính. Nhiều người dùng cổng DVC vẫn chưa thể tự làm thủ tục mà phải dựa vào sự hướng dẫn trực tiếp hoặc làm thay của đội ngũ công chức.
Đặc biệt là những người ở vùng sâu, vùng xa, người dân DTTS thường phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các công chức trong việc thực hiện thủ tục hành chính, điều này dẫn đến tình trạng họ không tự mình tiếp cận được các dịch vụ cần thiết.
Hà Giang là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Dù đã có những nỗ lực trong việc phát triển DVCTT, tình trạng tiếp cận của người DTTS vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Ông Nguyễn Đức Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hà Giang chia sẻ: Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới khó khăn với địa hình chia cắt, đa số là người DTTS trình độ dân trí còn thấp, cũng như chưa nắm được phải làm những dịch vụ công nào còn thiếu.
Hơn nữa, Hà Giang vẫn có những vùng điểm trũng “trắng” sóng điện thoại, điều kiện về cơ sở vật chất hạn chế, đặc biệt là thiếu thiết bị, máy tính, điện thoại thông minh.
Xuất phát từ những khó khăn trên, việc thực hiện DVC của Hà Giang còn rất thấp. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Mạnh, năm 2023 trở lại đây, tình hình đã cải thiện được. Nguyên nhân là tỉnh đã xác định việc chuyển đổi số hiện nay không thể chỉ tập trung vào việc mua sắm trang thiết bị, công nghệ mà thực hiện vào chiến lược, mục đích phục vụ người dùng.
“Chính vì vậy, việc đầu tiên là chúng tôi xác định tập trung vào công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của việc thực hiện các DVCTT”, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Hà Giang cho biết.
Nguồn: https://nhandan.vn/tang-cuong-tuyen-truyen-nang-cao-kha-nang-tiep-can-dich-vu-cong-truc-tuyen-cho-nguoi-dan-toc-thieu-so-post830670.html