Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa
Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây ra. Bệnh chủ yếu do muỗi vằn truyền virus từ người bệnh sang người lành. Muỗi vằn có màu đen sậm, có đốm trắng tại chân và thân, kích thước lớn hơn các loại muỗi thông thường. Muỗi thường tập trung tại những góc tối, ẩm thấp trong nhà như tủ quần áo, chăn màn, các đồ dùng sinh hoạt. Muỗi cái thường đẻ trứng tại các vũng nước như ao, hồ, chum, vại, hốc cây, giếng nước… các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, lốp xe, vỏ dừa… Muỗi hoạt động hút máu chủ yếu vào ban ngày, có 2 thời điểm cao nhất là sáng sớm (lúc mặt trời mọc) và chiều tối (lúc mặt trời sắp lặn), thời gian hoạt động mạnh nhất vào khoảng 1 giờ trước khi mặt trời lặn. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể hoạt động hút máu suốt ngày, thậm chí cả ban đêm với mức độ thấp hơn.
Muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti)
Từ đầu năm đến nay huyện Ea H’Leo ghi nhận 42 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 03 ổ dịch, không có ca tử vong. Số mắc trên địa bàn huyện đến ngày 27/6/2022 tăng 366,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn huyện đang có chiều hướng gia tăng khi thời tiết với biểu hiện mưa liên tục vào mỗi buổi chiều, nắng nóng vào buổi sáng sớm và trưa tạo thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi và phát triển.
Biểu hiện của bệnh Sốt xuất huyết là: Sốt cao đột ngột, người mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt. Sốt liên tục kéo dài 2-7 ngày. Sau đó có các biểu hiện xuất huyết: Ở da biểu hiện là các nốt xuất huyết rải rác thường ở mặt trước cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạn sườn hoặc mảng bầm tím; Ở niêm mạc gồm có: chảy máu mũi, lợi, đôi khi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài; Ở nội tạng: xuất huyết tiêu hoá, phổi, xuất huyết não... là biểu hiện nặng của bệnh.
Sốt xuất huyết Dengue có thể dẫn tới tình trạng sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng và dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời.
Ảnh: Người dân cần thường xuyên diệt bọ gậy/lăng quăng và thực hiện các biện pháp phòng bệnh
Để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiệu quả, không để dịch lan rộng trong cộng đồng, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh và thường xuyên loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt muỗi, bọ gậy bằng cách vệ sinh sạch sẽ, thoáng đãng nơi ở, môi trường sống, sinh hoạt; thu gom, tiêu hủy những vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà; không tích trữ nước trong nhà, đậy kín các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; phát quang bụi rậm quanh nhà, ngoài vườn; xử lý nguồn nước, khơi thông cống rãnh xung quanh nhà; ngủ màn để tránh bị muỗi đốt; đốt nhang muỗi, dùng vợt muỗi, phun thuốc diệt muỗi để tiêu diệt muỗi vằn; sử dụng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi ở vị trí các ô thoáng, cửa sổ, cửa ra vào; sử dụng thuốc bôi ngoài da, mặc quần áo dài tay để tránh muỗi đốt; người mắc bệnh sốt xuất huyết cần nằm ngủ trong màn để tránh lây bệnh sang người khác… Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi có các dấu hiệu mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời., không tự ý điều trị tại nhà.
Sốt xuất huyết đến nay vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó trước khi buộc phải áp dụng các biện pháp y tế, người dân cần tăng cường và chủ động hơn nữa trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống sốt xuất huyết, góp phần kiểm soát dịch bệnh hiệu quả./.
Nguồn: Phương Dung - Nhà Văn hoá