Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp
Ngày 25/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/6/2019 thay thế Nghị định số 157/2013/NĐ-CP, ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản và Điều 3 Nghị định số 41/2017/NĐ-CP, ngày 05/4/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
Nghị định quy định 03 nhóm hành vi vi phạm hành chính bao gồm: Vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng; vi phạm quy định về phát triển rừng, bảo vệ rừng; vi phạm quy định về quản lý lâm sản, với 18 hành vi cụ thể.
Theo đó, một số mức phạt về các hành vi vi phạm như sau:
- Hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt động vật rừng trái quy định của pháp luật bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 400 triệu đồng.
- Hành vi vận chuyển lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản thực tế vận chuyển không phù hợp với hồ sơ đó bị xử phạt từ 05 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
- Hành vi tàng trữ, mua bán, chế biến lâm sản không có hồ sơ hợp pháp hoặc có hồ sơ hợp pháp nhưng lâm sản không đúng với nội dung hồ sơ đó bị xử phạt từ 05 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
Ảnh: Internet
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500 triệu đồng; tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với tổ chức là một tỷ đồng./.
Nguồn: Võ Nam – Phòng Tư pháp.