Phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học
Thế giới đang trải qua thời kỳ toàn cầu hóa mở cửa kinh tế, xu thế liên quốc gia, xuyên châu lục ngày càng phổ biến, đồng nghĩa với việc dịch bệnh có thể dễ dàng nhanh chóng lan tỏa trên diện rộng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi. Trong hoàn cảnh “Sống chung với dịch bệnh”, chăn nuôi an toàn sinh học được xem là bài toán hiệu quả nhất để phát triển bền vững. Như vậy có thể thấy, việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn là hết sức cần thiết, nhất là trong thời điểm chăn nuôi lợn ồ ạt, không theo quy trình an toàn như hiện nay, dễ dẫn đến thất thoát, thua lỗ cho bà con nông dân. Đây được xem là tiền đề để phát triển các chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm an toàn.
Ảnh: (nguồn internet).
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) là phương thức chăn nuôi bao gồm hệ thống biện pháp tổ chức quản lý và kỹ thuật chăn nuôi thú y bảo đảm cho vật nuôi phát triển bình thường. Đồng thời, cách ly được với các vi khuẩn, virus và các tác nhân sinh vật gây bệnh khác để có sản phẩm con giống, nguồn thực phẩm sạch bệnh. Việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) đã đem đến cho người chăn nuôi nhiều lợi ích rõ rệt, cũng gắn với nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, đưa nền chăn nuôi Việt Nam gần hơn với thế giới.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hướng dẫn nông dân thực hiện chăn nuôi ATSH trong thời gian qua tại nhiều địa phương trên cả nước và triển khai tương đối tốt, đặc biệt là những chương trình khuyến nông đào tạo huấn luyện. Trung tâm thường xuyên tổ chức những buổi tập huấn, đặc biệt là áp dụng yêu cầu đối với những cơ sở chăn nuôi ATSH cũng như các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi ATSH áp dụng cho cả heo và gia cầm. Thực tế trong thời gian triển khai, với việc áp dụng những yêu cầu về chăn nuôi ATSH đã làm tỷ lệ dịch bệnh giảm nhiều. Thông qua chăn nuôi ATSH, người chăn nuôi đã có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường cũng như xử lý sau chăn nuôi cũng được triển khai rất mạnh mẽ. Ngoài ra các cơ sở áp dụng tất cả những biện pháp từ cách ly, khử trùng, những biện pháp được áp dụng trong chăn nuôi ATSH làm cho môi trường chăn nuôi ở từng cơ sở được sạch sẽ, giúp người nuôi có thói quen thực hiện tốt những điều kiện về vệ sinh chăn nuôi, yêu cầu vệ sinh ATSH trong chăn nuôi. Khi dịch bệnh trên đàn vật nuôi giảm, hạn chế sử dụng kháng sinh... giúp tăng thu nhập cho người nuôi, sức khỏe đàn vật nuôi được đảm bảo.
Thời gian qua, một trong những nguyên nhân dẫn đến lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm là do người nuôi chưa thực hiện đầy đủ quy trình chăn nuôi và các biện pháp phòng bệnh. Vì vậy, chăn nuôi an toàn sinh học hiện là giải pháp hữu hiệu để phòng, chống dịch bệnh, nhất là trong bối cảnh bệnh Dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng...
Với phương pháp chăn nuôi theo hệ thống khép kín, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi, nên việc phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH được xác định là giải pháp phát triển bền vững ngành chăn nuôi, nhất là trong thời điểm bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp. Vì thế, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương đã và đang tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi phát triển sản xuất theo phương thức này.
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có Chỉ thị số 14/CT-UBND, ngày 11/11/2019 về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tái đàn trong chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, địa phương tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: tăng cường công tác chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan chuyên môn tại địa phương thực hiện có hiệu quả việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi lợn để phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tại các cơ sở chăn nuôi lợn trên địa bàn; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất, hỗ trợ triển khai thực hiện các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học sử dụng chế phẩm sinh học phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; thực hiện việc rà soát, thống kê, theo dõi tổng đàn lợn tại địa phương, số lượng các trang trại và hộ chăn nuôi lợn, tình hình dịch bệnh…; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở chăn nuôi lợn, gia cầm áp dụng, thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, giám sát chặt chẽ việc tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi lợn tại địa phương; trong công tác kiểm dịch động vật cần đảm bảo con giống cho phép nhập tỉnh phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo quy định của pháp luật, đồng thời phải được chuyển đến đúng cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện nuôi tái đàn và đã thực hiện việc khai báo với chính quyền địa phương để thuận lợi cho công tác quản lý, theo dõi; hướng dẫn, chỉ đạo công tác kiểm tra điều kiện chăn nuôi đối với các cơ sở chăn nuôi lợn có nhu cầu tái đàn theo quy định.
Vì vậy, khi các trang trại áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, các chủ trang trại cần thực hiện các nguyên tắc và kỹ thuật nghiêm ngặt một cách đều đặn như: bảo vệ vật nuôi trong môi trường an toàn; khu vực chăn nuôi nên xa khu vực chăn nuôi súc vật khác và các hộ gia đình; bảo đảm sự yên tĩnh hạn chế người đi lại khu vực chăn nuôi; thiết kế các hố sát trùng ở mỗi dãy chuồng trại để tránh lây ô nhiễm chéo; bảo đảm đầy đủ lượng thức ăn đạt chất lượng; xử lý, thu gom các chất thải...
Để phát triển chăn nuôi theo hướng ATSH, các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc quy trình vệ sinh chuồng trại, kiểm soát người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi, xử lý thức ăn, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng thức ăn dư thừa để chăn nuôi. Phối hợp với chính quyền địa phương tham gia tập huấn cho các chủ hộ chăn nuôi về quy trình, kỹ thuật chăn nuôi theo hướng ATSH. Bên cạnh đó, cán bộ chuyên môn xuống các hộ dân để trực tiếp hướng dẫn thực hiện các quy trình chăn nuôi theo hướng ATSH./.
Nguồn: Tuyết Mai – Phòng VH&TT