Thứ sáu, ngày 18 tháng 07 năm 2025
Thống kê hồ sơ
Bình Chọn
Đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ tiếp nhận hồ sơ ?
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay:

Hôm qua:

Trong tuần:

Tất cả:

Cập nhật lúc: 04/10/2021

Ông Bùi Văn Ngòi – Người nông dân mê nhạc cụ dân tộc

 

Lọt thỏm giữa núi rừng Tây Nguyên, nhiều năm nay bà con ở thôn 5A, xã Ea Nam vẫn nghe những tiếng Sáo Oi, đàn tính, Tính tẩu…. của dân tộc Mường. Những giai điệu ngọt ngào, du dương ấy được cất lên bởi người “nghệ sỹ nông dân” Bùi Văn Ngòi. Dù xa quê đã lâu, nhưng vốn văn hóa truyền thống của dân tộc đã in đậm trong tâm trí ông, để rồi người nông dân ấy cứ ngơi việc lại tìm đến các nhạc cụ mà mình yêu thích, bao nhiêu năm qua ông đã thắp lên niềm đam mê âm nhạc dân tộc cho những người con đất Mường xa xứ, để cho vùng quê thanh bình này, lúc nào cũng đẹp và nên thơ.

 

Ảnh: Lãnh đạo phòng đến thăm gia đình ông Bùi Văn Ngòi, thôn 5A, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo.

Ông Bùi Văn Ngòi, sinh năm 1962, năm 1980 ông đi bộ đội bảo vệ tuyến biên giới phía bắc, đến năm 1984 ông xuất ngũ về xây dựng quê hương. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế tại quê nhà khó khăn, năm 1996 ông rời quê hương Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình vào Đắk sinh sống và làm kinh tế. Cũng như nhiều đồng bào Mường ở xã Ea Nam cuộc sống của ông gắn liền với ruộng đồng, nương rẫy. Tranh thủ những lúc nông nhàn, ông lại vùi mình bên đống nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn để chế tác nhạc cụ. Nghề nông mới là nghề chính nuôi sống bản thân ông và gia đình, nhưng cái đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cũng như tìm thấy ý nghĩa cuộc sống với ông lại chính là nghề làm nhạc cụ.

Ông Ngòi may mắn được sinh ra trong gia đình mà cả cha và mẹ đều chơi đàn và hát rất giỏi. Từ nhỏ vốn văn hóa truyền thống ấy đã ngấm sâu vào tâm trí, len lỏi vào máu thịt, vào từng hơi thở của ông. Bởi vậy, khi vào Tây Nguyên xây dựng kinh tế, hành trang ông mang theo cũng chỉ là cây sáo Oi, và chiếc đàn tính của dân tộc. Mỗi khi xong công việc nương rẫy, hay chế tác xong một nhạc cụ, ông lại mang đàn ra chơi, mang sáo ra thổi cho vợ, con và các cháu trong thôn cùng nghe.

Với những con người xa quê, đó chính là giá trị tinh thần mà không vật chất nào có thể sánh nổi. Thế nên, mỗi khi nhớ quê hương, nhớ người thân ông lại tấu lên những khúc nhạc thân thương từ những nhạc cụ dân tộc đặc trưng của người Mường như Cò ke, sáo Ôi, đàn Bát âm, phách...

Không chỉ biết chơi các loại nhạc cụ này, ông Ngòi còn chịu khó tìm tòi, học cách tự chế tác chúng. Tranh thủ những lúc nông nhàn, ông lại cặm cụi bên đống nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn và tỉ mẩn gọt, đẽo để tạo ra “hồn quê”. Ông Ngòi cho biết, mỗi loại nhạc cụ truyền thống này có cách chế tác và ý nghĩa đặc trưng riêng. Ví dụ như sáo Ôi, đặc trưng của nó là 4 lỗ, nhưng lại có 5 hàng âm là: đồ, mi, pha, son, si; khi thổi phải dùng 4 ngón tay để bấm và điều chỉnh các lỗ theo độ vang cao thấp của cây sáo.

Tùy từng hoàn cảnh khác nhau, người chơi sáo Ôi thổi nhanh hay chậm, vui hay buồn, lúc nhẹ nhàng sâu lắng, lúc rộn ràng tươi vui. Hay với Cò ke, đây là nhạc cụ có hai dây, là nhạc khí thuộc bộ dây, chi cung kéo, hình dáng giống đàn nhị của người Việt nhưng chế tác thô sơ hơn; thường được chơi vào những ngày lễ, dịp quan trọng. Vì thế, người chế tác phải am hiểu và đặt trọn tình cảm vào việc chế tác thì mới thành công.

Theo ông, điều cần nhất với người chế tác nhạc cụ dân tộc chính là sự kiên nhẫn và tỉ mỉ; bởi từng chi tiết của chúng đòi hỏi phải chính xác để mang lại âm thanh chuẩn, từ đó họ cũng rèn cho mình tính cẩn thận, chu đáo và có trách nhiệm với công việc. Chơi nhạc cụ làm cho tâm hồn thư thái, còn chế tác nhạc cụ giúp cho trí não được minh mẫn.

Với quyết tâm bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mường trên vùng đất mới, cùng với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi, dù không được đào tạo qua trường lớp nào, nhưng đến nay Ông Ngòi đã chơi và chế tác được nhiều loại nhạc cụ dân tộc Mường, như: Sáo Oi; Sáo Tiêu; Nhị; Đàn tính; Tính tẩu; Cò ke…, với tổng số hơn 40 cái.

Những nhạc cụ nào không chế tác được, Ông lại bỏ thời gian, tiền của đi tìm kiếm, sưu tầm. Có những loại ông đặt mua trên mạng, nhưng cũng có nhạc cụ Ông phải lặn lội ra tận ngoài Bắc để mua. Tài sản của ông sau hơn 20 năm ở vùng kinh tế mới, ngoài hơn 3 ha rẫy xanh tốt; thì còn cả một kho tàng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Mường.

Với mong muốn những âm thanh của nhạc dân tộc được bảo tồn mà còn vươn xa đến nhiều người hơn. Ông Ngòi đã vận động những người Mường xa xứ, yêu thích nghệ thuật dân gian dân tộc trong xã để thành lập đội văn nghệ. Ngoài truyền đạt những kỹ năng cơ bản về về nhạc cụ dân tộc, những làn điệu dân ca Mường, ông cũng truyền cả niềm đam mê của mình cho mọi người. Đội văn nghệ của ông giờ có cả trên 40 thành viên ở nhiều lứa tuổi tham gia, ngôi nhà đơn sơ nằm giữa rừng bạt ngàn cây cối của gia đình ông cũng chính là địa điểm để đội sinh hoạt, tập luyện. Mỗi khi trong thôn, trong xã tổ chức hội thi, hội diễn, đội văn nghệ của ông cũng đã tham gia, đóng góp tích cực cho phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương. Tính đến nay, ông đã tham gia hội thi văn nghệ cấp huyện, cấp xã và đạt được 2 giải nhì cấp huyện, 1 giải nhì cấp xã.

Điều đặc biệt, hiện trong thôn có nhiều thanh thiếu niên cũng đang tiếp nối lòng đam mê đó. Mỗi ngày thứ 7, chủ nhật các em lại tụ tập ở nhà ông để được say sưa với những khúc nhạc và những câu chuyện của ông. Các em đến đây không chỉ bởi sự thân thiện, gần gũi mà còn bởi được nghe ông kể chuyện, chia sẻ những cái hay, cái đẹp của nhạc cụ dân tộc cũng như văn hóa truyền thống quê hương.

Ảnh: Ông Bùi Văn Ngòi truyền dạy nhạc dân tộc cho các cháu thiếu nhi trong thôn.

Những người dân nơi làng quê vẫn còn nhiều vất vả, lo toan cho cuộc sống. Để có điều kiện dấn thân cho công việc họ cũng phải vượt qua rất nhiều trở ngại. Phía sau những người nông dân nơi làng quê là công việc chất chồng. Để có những phút giây thăng hoa bên các loại nhạc cụ dân gian là điều chẳng phải ai cũng làm được. Và chính họ “nghệ sỹ nông dân” như Ông Bùi Văn Ngòi đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mãi trường tồn trên vùng đất mới Tây Nguyên./.

Nguồn: Trường Ngữ - Đài TTTH.

In Gửi Email

CÁC CHUYÊN MỤC KHÁC

ipv6 ready
Chung nhan Tin Nhiem Mang