Ngành giáo dục huyện Ea H’Leo đẩy mạnh dạy học STEM trong các trường học
Cùng với dạy học theo hướng tích hợp, dạy học liên môn, những năm gần đây, việc triển khai thực hiện dạy học theo định hướng giáo dục STEM trong nhà trường được ngành giáo dục thị huyện Ea H’Leo coi là nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục. Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tăng cường triển khai thực hiện giáo dục STEM để hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Ảnh: Ngày hội Stem huyện Ea H’Leo
STEM là mô hình giáo dục dựa trên cách tiếp cận liên môn, giúp học sinh áp dụng các kiến thức khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học vào giải quyết một số vấn đề thực tiễn trong bối cảnh cụ thể. Đây là phương pháp giáo dục tiên tiến, tạo cơ hội cho học sinh phát huy khả năng sáng tạo, vận dụng kiến thức tổng hợp, tự học, tự nghiên cứu của mình. Đồng thời là cơ sở quan trọng để các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Nguyễn Đức Công, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện cho biết: Công tác triển khai thực hiện dạy học theo định hướng giáo dục STEM ở các trường học trên địa bàn huyện có nhiều thuận lợi do đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS và tiểu học đã được tập huấn về giáo dục STEM. Đặc biệt, do chương trình và sách giáo khoa mới được cấu trúc thành các chủ đề, trong đó có một số chủ đề phù hợp tạo điều kiện tốt để giáo viên tổ chức bài học STEM. Quá trình triển khai đưa giáo dục STEM vào thực tế dạy và học ở các nhà trường trên địa bàn cho thấy, các nhà trường đã có sự linh hoạt, chủ động tổ chức nhiều hoạt động giáo dục STEM có tính đa dạng, phù hợp với điều kiện nhà trường và đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của học sinh, góp phần hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết cho học sinh.
Ảnh: Ngày hội Stem huyện Ea H’Leo
Do có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục STEM trong việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, đội ngũ giáo viên của các nhà trường đã coi đây là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn. Trên cơ sở nội dung các bài học của từng môn học, các tổ chuyên môn đã xây dựng được các chủ đề dạy học STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề; khuyến khích học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra.
Cùng với đó, việc tổ chức hoạt động dạy học được thiết kế theo các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực, bảo đảm mỗi hoạt động học được thiết kế rõ ràng về mục đích, nội dung, dự kiến sản phẩm học tập mà học sinh phải hoàn thành và cách tổ chức hoạt động học tập; thể hiện rõ sự sáng tạo khi thiết kế được nhiều bài học điện tử để hướng dẫn, hỗ trợ hoạt động học của học sinh bên ngoài lớp học. Các phương pháp, hình thức dạy học bài học STEM cũng được linh hoạt thực hiện, giúp lôi cuốn học sinh vào hoạt động kiến tạo, tăng cường hoạt động nhóm, tự lực chiếm lĩnh kiến thức mới và vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề cũng như tăng cường tổ chức hoạt động theo nhóm để phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác cho học sinh nhưng phải chỉ rõ nhiệm vụ và sản phẩm cụ thể của mỗi học sinh trong nhóm.
Bên cạnh việc dạy học STEM trong các giờ học chính khóa, các trường học trên địa bàn huyện còn phối hợp tổ chức được nhiều hoạt động trải nghiệm STEM qua hình thức câu lạc bộ hoặc các hoạt động trải nghiệm thực tế. Theo điều kiện thực tế và nhu cầu học tập của học sinh, các nhà trường đã sáng tạo trong việc tổ chức các không gian trải nghiệm STEM trong trường; giới thiệu thư viện học liệu số, thí nghiệm ảo, mô phỏng, phần mềm học tập để học sinh tìm hiểu, khám phá các thí nghiệm, ứng dụng khoa học, kĩ thuật trong thực tiễn; tổ chức các ngày hội STEM; duy trì hoạt động nghiên cứu khoa học, kĩ thuật …Trong đó, các nội dung trải nghiệm STEM được gắn với việc thực hiện mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông, tạo hứng thú và động lực học tập nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh; các hoạt động của bài học STEM trong chương trình tập trung vào việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn xã hội, khoa học và công nghệ; gắn với các hoạt động nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực STEM nhằm hỗ trợ cho quá trình học tập, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Thời gian tới, các nhà trường tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó thực hiện dạy học dựa trên chuẩn kiến thức, kỹ năng và đổi mới kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Nhà trường sẽ tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn giáo dục STEM; đồng thời thường xuyên tổ chức hoạt động trải nghiệm với mục tiêu tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng vận dụng kiến thức liên môn vào các tình huống thực tiễn… qua đó, còn góp phần thực hiện mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nguồn: Tuyết Mai - PVHTT