Mô hình nuôi Gà sao đạt hiệu quả kinh tế ở xã Ea Khal
Thực hiện đề án chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, các cấp, các ngành huyện Ea H’Leo luôn chú trọng phát triển các loại cây, con vật nuôi cho giá trị kinh tế cao, đồng thời khuyến khích người dân lựa chọn và du nhập một số loài cây trồng, con vật nuôi mới cho hiệu quả kinh tế cao để làm phong phú thêm giống cây, con vật nuôi trên địa bàn. Mô hình nuôi gà sao của gia đình chị Lê Thị Long ở Thôn 9, xã Ea Khăl là một trong những ví dụ điển hình.
Có kinh nghiệm từ việc nuôi gà thả vườn, sau khi tìm hiểu về các mô hình chăn nuôi hiệu quả cũng như nhu cầu thị trường ở các trang thông tin đại chúng, năm 2021, chị Lê Thị Long ở Thôn 9, xã Ea Khăl đã quyết định chuyển đổi từ chăn nuôi gà thả vườn nhỏ lẻ sang thành mô hình chăn nuôi gà sao lấy trứng. Trước tiên, chị đã tiến hành mở rộng quy mô chuồng trại và đầu tư mua 500 con gà sao về nuôi. Trong quá trình nuôi chị Long tuân thủ rất nghiêm về tiêm phòng, vệ sinh chuồng trại đặc biệt là phải sử dụng đệm lót sinh học nên trong quá trình nuôi rất hạn chế bệnh.
Ảnh: Mô hình nuôi gà sao của chị Lê Thị Long ở thôn 9, xã Ea Khal.
Gà sao dễ nuôi, nhanh lớn, ít bị dịch bệnh, tỉ lệ sống cao, đạt khoảng 95 - 98%. Thức ăn của gà sao phần nhiều là chất thô xanh và lúa, bột ngô, bã đậu, cám gạo… nên nguồn thức ăn khá phong phú, dễ kiếm. Chị Long tự phối trộn các nguồn thức ăn hữu cơ có bổ sung thêm các loại men vi sinh để dễ tiêu hóa. Điều này cũng giúp giảm chi phí so với việc chăn nuôi các loài gà khác. Đặc tính của loài gà này là thích bay, nhảy, chạy, do đó môi trường nuôi loài gà này phải rộng, có cành cao để chúng bay và đậu. Đặc tính này cũng giúp cho gà sao có thịt săn chắc. Sau 4 tháng, bình quân mỗi con có trọng lượng 1,2- 1,4 kg/con và bắt đầu sinh sản. Lúc này, để chất lượng trứng đạt tốt nhất thì chị Long tăng thêm hàm lượng dinh dưỡng trong thức ăn cho gà. Đến nay, bình quân mỗi ngày đàn gà của gia đình chị thu từ 80 cho tới 100 trứng, đem lại thu nhập mỗi ngày cho gia đình chị từ 200 ngàn đồng trở lên.
Chị Long chia sẻ: “Khâu vệ sinh, chuẩn bị chuồng trại là khâu mang tính chất quan trọng trong chăn nuôi. Trước khi nuôi gà, cần phải xử lý, vệ sinh chuồng trại để loại bỏ mầm bệnh. Sau đó đưa các dụng cụ như máng ăn, máng uống… ra vệ sinh sạch sẽ; tiến hành sát trùng chuồng phổ rộng toàn bộ cả sân vườn. Kết hợp quét dọn các khu vực xung quanh, không để nước tù, nước đọng quanh khu vực nuôi gà. Định kỳ cũng cần phải sát trùng khu vực nuôi để đảm bảo không có nguồn bệnh ảnh hưởng đàn gà”.
Dự kiến trong thời gian tới, chị Long sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi gà sao lên vài ngàn con/lứa để đáp ứng nhu cầu thịt và trứng cho thị trường.
Có thể thấy với việc dám nghĩ, dám làm và tìm tòi học hỏi kinh nghiệm của chị Lê Thị Long là điển hình của việc thay đổi tư duy trong lựa chọn cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao của nhiều nông dân tại huyện Ea H’leo. Đến nay, mô hình nuôi gà sao của gia đình chị Long đã trở thành mô hình điểm cho các hộ nông dân trên địa bàn xã đến tìm hiểu và nhân rộng. Điều này cũng khẳng định việc thay đổi tư duy, biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cũng như sự mạnh dạn tìm hiểu và chuyển đổi vật nuôi đã ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân; tăng thu nhập bình quân mỗi năm. Các cấp hội, đoàn thể cũng đóng vai trò quan trọng trong khuyến khích, hỗ trợ người nông dân tiếp cận và xây dựng các mô hình chăn nuôi mới.
Mô hình nuôi Gà sao không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình chị Long mà còn góp phần vào sự thành công của công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân./.
Nguồn: Hoàng Nga - Đài TT TH huyện.