Lịch sử trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Câu nói đó của Người cho thấy, việc học và dạy lịch sử không chỉ để cho mọi người dân Việt Nam nhận biết rõ cội nguồn của mình, mà còn để bồi bổ, giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí tự tôn, tự hào dân tộc. Nhận rõ được tầm quan trọng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Kế hoạch số 770/KH-BGDĐT. Theo đó, môn Lịch sử sẽ được chuyển thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông. Đồng thời, để kịp thời triển khai thực hiện trong năm học 2022 - 2023 ở cấp THPT, Bộ GD&ĐT đã triển khai xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh, thẩm định chương trình Lịch sử cấp THPT phần bắt buộc với thời lượng 52 tiết/năm học (lớp 10, lớp 11, lớp 12) để dạy bắt buộc cho tất cả học sinh.
Ảnh minh họa
Là giáo viên có nhiều năm gắn bó với môn Lịch sử, cô giáo Vũ Thị Hương Liên, Trường THPT Phan Chu Trinh huyện Ea H’Leo cho biết: “Việc môn Lịch sử trở thành môn học bắt buộc chính là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học môn học Lịch sử. Theo đó, mỗi giáo viên cần có sự thay đổi về phương pháp, về kỹ năng, cách tiếp cận vấn đề, cách giải quyết vấn đề.... để một mặt nâng cao trình độ sư phạm, khả năng giảng dạy của giáo viên và một mặt bồi dưỡng tinh thần học tập của học sinh”.
Có thể thấy, lịch sử gắn liền với nguồn cội văn hóa của dân tộc, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài tồn tại, phát triển của mỗi đất nước, một quốc gia. Lịch sử không chỉ có ý nghĩa đối với việc giáo dục thế hệ trẻ mà còn phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, khẳng định vị thế con người Việt Nam trên Thế giới. Lịch sử là quá khứ, nhưng quá khứ là một hợp phần tất yếu của hiện tại; không có quá khứ thì cũng không có tương lai. Không biết gì về lịch sử, không học lịch sử, người ta sẽ không hình thành được thái độ trân trọng, tình cảm biết ơn và những việc làm tri ân đối với các bậc “khai quốc công thần”, các vĩ nhân, danh nhân, các anh hùng, liệt sĩ. Việc chú trọng và tăng cường giáo dục lịch sử là điều cần thiết đối với mỗi học sinh hiện nay, để các em không lãng quên lịch sử cũng như tạo nên sợi dây kết nối giữa quá khứ và tương lai, giúp cho học sinh hiểu được giá trị của hòa bình và bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho mỗi học sinh. Tuy nhiên, để môn Lịch sử được học sinh yêu thích thì cần phải có phương pháp truyền thụ phù hợp, khả năng tích hợp trong giảng dạy để phát huy trí liên tưởng, tưởng tượng của học viên để kiến thức không còn khô khan, nhàm chán.
Môn Lịch sử chuyển thành môn học bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông là nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai quá trình dạy học tích cực, nâng cao năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên cũng như năng lực sáng tạo của người học. Đồng thời góp phần tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, tạo động lực để thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.
Nguồn: Kim Ngân – Nhà Văn hóa