Kỷ niệm 65 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 – 19/5/2024) Đường Trường Sơn - biểu tượng của ý chí, khát vọng Việt Nam
Nếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, con đường Trường Sơn là biểu hiện sinh động của khát vọng cháy bỏng về một nền độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, thì trong thời bình, đường Trường Sơn -đường Hồ Chí Minh là con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Trong cuộc chiến đấu một mất một còn với quân thù để xây dựng và phát triển tuyến đường, bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên đường Trường Sơn không chỉ vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ mà còn chịu nhiều tổn thất về người và phương tiện vật chất. Ảnh: Văn Sắc/TTXVN
Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị, BCH T.Ư Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh. Cho đến nay, Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh vẫn nhớ như in kỷ niệm những năm tháng chiến đấu, cống hiến xây dựng tuyến đường Trường Sơn. Đối với ông, hơn 10 năm chiến đấu, mở đường, bảo vệ tuyến đường Trường Sơn là quãng thời gian đầy gian khổ, nhưng rất đỗi vinh quang, được cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, góp phần làm nên tuyến đường huyền thoại, biểu tượng cho tinh thần, ý chí, khát vọng độc lập, tự do của lớp lớp thanh niên không tiếc máu xương, tuổi xuân những ngày mở đường, đánh địch. Mở đường, giữ đường gian khổ vô cùng, thiếu thốn đủ bề, đối mặt với mưa bom, bão đạn, chất hóa học dải trắng rừng, dịch bệnh sốt rét thường trực. Đơn vị ông làm nhiệm vụ mở đường, bảo vệ các nhánh đường từ dốc Thơm đến Sông Bạc, đèo 5 đến ngã ba Đông Dương. Quãng thời gian từ năm 1967 - 1972, Mỹ tập trung đánh phải hủy diệt đường Trường Sơn. Bom đạn dội xuống không biết bao nhiêu mà kể, cứ 15 phút một trận. Lúc bấy giờ, mở đường chỉ vừa bánh xe đi, đi bằng 2 đèn rùa, bộ đội đứng trên làm cọc bảo hiểm, xi nhan cho xe đi. Trong quá trình chiến đấu, mở đường, cuộc sống chỉ tính bằng giờ, bằng ngày, biết bao chiến sỹ, thanh niên đã hy sinh vì bom đạn, vì sốt rét rừng. Cũng trong gian khó có rất nhiều cách làm sáng tạo của bộ đội xử lý thông đường. Hầu như 6 tháng mùa khô, bộ đội ta không bao giờ được ngủ trọn vẹn cả một đêm, cứ chập tối là hành quân đi mở đường, thông đường đến tờ mờ sáng là về chỗ đóng quân.
Thành lập năm 1959, sau 2 năm với lực lượng ban đầu gồm 500 cán bộ, chiến sỹ, ngày 23/10/1961, Đoàn 559 đã trở thành đơn vị tương đương cấp sư đoàn thực hiện công cuộc mở đường, khởi đầu cho một trận đồ bát quái giữa đại ngàn Trường Sơn. Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh - một kỳ tích của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; một "con đường của ý chí quyết chiến quyết thắng và lòng dũng cảm, của khí phách một dân tộc anh hùng”. Đường Trường Sơn không chỉ là một tuyến chi viện chiến lược quy mô lớn, mà còn là một chiến trường có không gian rộng lớn, trải dài trên 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh Nam Lào và 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia. Đường Trường Sơn với tổng chiều dài đường vận tải bộ và hành quân cơ giới gần 17.000 km, gồm nhiều trục dọc, trục ngang ở cả Đông và Tây Trường Sơn. Đường giao liên bộ dài hơn 3.000 km, xuất phát từ Bãi Hà (Quảng Trị) đến Đông Nam bộ…
Bộ đội và thanh niên xung phong Trường Sơn đã không tiếc tuổi xuân, máu xương, vì sự sống của con đường đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, bền bỉ và kiên cường trụ bám trận địa, trụ bám mặt đường, giữ vững mạch máu giao thông, đập tan mọi âm mưu, hành động đánh phá ngăn chặn của quân thù. Trong 16 năm liên tục đó, lực lượng vận tải toàn tuyến đã vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí và phương tiện vật chất, vận chuyển cơ động 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn, hộ tống 90 đoàn binh khí kỹ thuật, bảo đảm hành quân cho hơn 2 triệu lượt người qua lại. Đế quốc Mỹ đã biến tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh thành chiến trường thử nghiệm hàng loạt các chủ trương chiến lược và thủ đoạn chiến thuật, đồng thời cũng là chiến trường thử nghiệm các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại. Với hơn 150.000 trận đánh phá bằng không quân, trong đó sử dụng hàng vạn lần chiếc máy bay B52, ném xuống tuyến đường hơn 4 triệu tấn bom đạn trong tổng số hơn 7 triệu tấn sử dụng trên toàn chiến trường Việt Nam, tiến hành trên 120 cuộc hành quân đánh phá, 1.235 vụ biệt kích. Quân, dân ta trên chiến trường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và Nhân dân nước bạn, với tinh thần dũng cảm, thông minh, mưu trí, sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ đã đánh bại mọi thủ đoạn chiến tranh ngăn chặn của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, góp phần rất quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến. Hơn 2 vạn cán bộ, chiến sỹ Trường Sơn anh dũng đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, 3 vạn người bị thương; 14.500 xe máy các loại, 400 khẩu pháo, 9 vạn tấn hàng bị phá hỏng và phá hủy. Bộ đội Trường Sơn đã bắn rơi 2.455 máy bay, diệt 1 trung đoàn, 4 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 5 trung đoàn bộ binh, diệt 16.900 tên, bắt 1.190 địch, thu và phá hủy hơn 100 xe quân sự. Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh thực sự ghi vào lịch sử dân tộc ta như một con đường huyền thoại, một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một "kỳ tích của thế kỷ XX”.
Thực tế đã chứng minh rõ ràng, mở đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một quyết định lịch sử, mang tầm chiến lược và sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Với quyết định đó, tuyến vận tải chiến lược đã ra đời, phát triển trong mưa bom, bão đạn và đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ 20. Trong bài viết nhân kỷ niệm 45 năm truyền thống đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959 - 19/5/2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một chiến công hào hùng, một kỳ tích lịch sử, một kinh nghiệm quý báu của Đảng”. 65 năm đã trôi qua, nhưng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (19/5/1959-19/5/2024) mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một "con đường huyền thoại", một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại./.
Nguồn: Kim Ngân- Nhà Văn hóa