Khai mạc Lớp truyền dạy kỹ năng đánh chiêng Aráp và dân vũ (múa Xoang) của dân tộc Gia Rai tại xã Ea Sol, huyện Ea H’leo
Sáng ngày 02/6/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Khai giảng Lớp truyền dạy kỹ năng đánh chiêng Aráp và dân vũ (múa Xoang) của dân tộc Gia Rai tại xã Ea Sol, huyện Ea H’Leo – Dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, do JBCIA, Hàn Quốc tài trợ.
Ảnh: Toàn cảnh lớp khai giảng truyền dạy kỹ năng đánh chiêng Arap và dân vũ (múa Xoang) của dân tộc Gia Rai tại xã Ea Sol, huyện Ea H’leo.
Ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết để thực hiện công tác xã hội hóa trong công tác Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng dự án để xin nguồn tài trợ không hoàn lại từ Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Chơn La Búc, Hàn Quốc, với nguồn kinh phí được tài trợ, huyện Ea H’Leo là 1 trong 5 đơn vị được hưởng thụ dự án với các nội dung như: trao tặng chiêng (Bộ chiêng Aráp), trang phục thổ cẩm của người Gia rai và hỗ trợ mở Lớp truyền dạy đánh chiêng Aráp và dân vũ (múa Xoang) tại xã Ea Sol. Việc tổ chức Lớp truyền dạy kỹ năng đánh chiêng Aráp và dân vũ (múa Xoang) của dân tộc Gia Rai nhằm triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Đắk Lắk do JBCIA, Hàn Quốc tài trợ năm 2023. Thông qua đó nhằm khích lệ, động viên tinh thần đối với nghệ nhân đánh chiêng, biểu diễn cồng chiêng và dân vũ, nâng cao ý thức trách nhiệm, gìn giữ di sản văn hóa cồng chiêng, góp phần bảo tồn và phát huy có hiệu quả Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Ảnh: Ông Lại Đức Đại - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Lễ Khai mạc.
Trong thời gian 30 buổi, các học viên được những nghệ nhân truyền đạt những kiến thức, kỹ năng cơ bản về diễn tấu chiêng Aráp và dân vũ của dân tộc Gia Rai nhằm góp phần tăng cường trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ trẻ để tiếp tục kế thừa, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tích cực tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu văn hóa văn nghệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh một cách bền vững.
Thông qua mở lớp truyền dạy nhằm phát hiện, bồi dưỡng những cá nhân có năng khiếu đánh chiêng, dân vũ góp phần bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Các học viên tham gia phải nắm được những kỹ năng cơ bản đánh chiêng và diễn tấu cồng chiêng, dân vũ (thực hiện được từ 03 bài chiêng, dân vũ cơ bản) phục vụ trong các nghi lễ, lễ hội truyền thống của dân tộc./.
Nguồn: Tuyết Mai – Phòng VH&TT