Hoàng Văn Thụ - Người Cộng Sản Kiên Trung
Đồng chí Hoàng Văn Thụ (1909 – 1944) là một trong những cán bộ lãnh đạo tiền bối của Đảng và cách mạng Việt Nam, đã hoạt động sôi nổi từ thời kỳ vận động thành lập Đảng và thời kỳ Đảng lãnh đạo chuẩn bị lực lượng, thúc đẩy thời cơ, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Đồng chí là tấm gương về ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh của người cộng sản để thực hiện những mục tiêu cao cả của Đảng, của dân tộc.
Hình ảnh đồng chí Hoàng Văn Thụ
Sinh ra trên vùng quê nghèo miền núi Đông Bắc Tổ quốc (tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên - nay là xã Hoàng Văn Thụ, Văn Lãng, Lạng Sơn), Hoàng Văn Thụ sớm biết bất bình trước những cảnh áp bức bất công mà đồng bào mình đang phải chịu đựng. Những tình cảm đó nhen nhóm dần trong anh ý thức về trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước. Dù gia đình có đủ điều kiện cho anh theo học cao hơn nhưng Hoàng Văn Thụ đã sẵn sàng chấp nhận gian khổ hi sinh, hăng hái trên con đường hoạt động cách mạng với tất cả ý chí, nghị lực và bầu nhiệt huyết yêu nước của mình.
Cuối năm 1928, Hoàng Văn Thụ được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1929 được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng - một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1933, được đồng chí Lê Hồng Phong trực tiếp bồi dưỡng về chủ nghĩa Mác- Lênin, Hoàng Văn Thụ đã giác ngộ lý tưởng cộng sản và chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã góp nhiều công sức gây dựng cơ sở Đảng ở Bắc Sơn, Võ Nhai, mỏ than Phấn Mễ và nhiều địa phương khác thuộc các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên. Với tác phong sâu sát phong trào, sáng tạo và linh hoạt vận động quần chúng, nhất là kinh nghiệm hoạt động trong công nhân, tháng 6-1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã được Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Xứ ủy và được cử ra lãnh đạo phong trào ở vùng mỏ Quảng Ninh.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ. Ở Đông Dương, chính quyền thuộc địa đàn áp, bắt bớ những người cách mạng. Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cùng với các đồng chí lãnh đạo Xứ ủy, lãnh đạo Ban chấp hành Trung ương, nhạy bén và chủ động chuyển hướng hoạt động của Đảng từ công khai và bán công khai sang bí mật. Nhờ sự nhạy bén đó, các tổ chức Đảng đã tránh được nhiều tổn thất. Tại Hội nghị Xứ ủy Bắc Kỳ mở rộng (8-9-1939), đồng chí Hoàng Văn Thụ được Trung ương phân công làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ
Đảng chủ trương duy trì đội du kích Bắc Sơn, đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo việc củng cố và phát triển căn cứ du kích Bắc Sơn-Võ Nhai. Dấu chân đồng chí đã in trên khắp vùng Việt Bắc trong những năm tháng cách mạng còn gặp nhiều khó khăn.
Tại Hội nghị Trung ương 8 (5-1941), đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu chính thức vào Ban Thường vụ Trung ương, được cử phụ trách công vận và binh vận. Đồng chí đã nhiều lần vượt qua mạng lưới mật thám để có mặt ở những nơi mũi nhọn, chỉ đạo sát sao các cuộc đấu tranh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào đi lên từ những cuộc đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thân hằng ngày, chống chế độ cúp phạt, đòi cải thiện chế độ làm việc. cuộc đấu tranh lan rộng trong các xí nghiệp mộc, in, và các ngành thủ công khác, lôi kéo cả một bộ phận tiểu thương tham gia ủng hộ. Tổ chức Công nhân cứu quốc được phát triển trong các nhà máy như Avia, S.T.A.I, các xưởng hỏa xa Gia Lâm và Đông Anh, ở nhiều nhà in và các xưởng xẻ gỗ... Các xưởng sửa chữa súng đạn ở Hà Nội cũng có một số tiểu tổ Công nhân cứu quốc. Mặc dù bị kiểm soát ngặt nghèo nhưng công nhân vẫn hưởng ứng các cuộc vận động quyên góp ủng hộ cách mạng, lưu hành truyền đơn, Báo Cờ giải phóng, Báo Cứu quốc... Tháng 3-1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ chỉ đạo cuộc đấu tranh của công nhân xưởng gỗ Săngcô của Nhật. Thắng lợi của cuộc đấu tranh này đã có ảnh hưởng lớn, khích lệ tinh thần đấu tranh của công nhân các xí nghiệp khác.
Hoàng Văn Thụ là người cộng sản gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất khi phong trào cách mạng yêu cầu. Đồng chí cũng là một người chân thành, giản dị, gương mẫu trong cuộc sống, có tác phong chan hòa, gần gũi với mọi người, có khả năng tập hợp, đoàn kết, được quần chúng mến yêu và đồng chí cảm phục.
Tháng 8-1943, giữa lúc phong trào cách mạng đang phát triển thì đồng chí Hoàng Văn Thụ bị bắt do một kẻ phản bội. Biết rằng đã bắt được một cán bộ cao cấp của Đảng, Phủ toàn quyền Đông Dương lệnh cho Sở mật thám bằng mọi cách phải lấy được lời khai của Hoàng Văn Thụ. Nhưng mọi thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc hay tra tấn dã man đều thất bại trước dũng khí của người cộng sản.
Bất lực trước ý chí kiên cường của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ, ngày 21/12/1943, thực dân Pháp cho mở cái gọi là “Toà án đại hình” để xử tội đối với đồng chí. Tại phiên toà, chúng còn cho một số anh em tù chính trị của ta tới dự, hòng gây áp lực đánh vào tinh thần của các đồng chí của ta đang bị giam cầm tại nhà tù Hoả Lò, Hà Nội. Nêu cao tinh thần tiến công cách mạng, Đồng chí đã dùng phiên tòa làm nơi luận tội kẻ thù, tuyên truyền đường lối cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng, kêu gọi các đồng chí của mình nuôi dưỡng tinh thần đấu tranh bền bỉ, tiêu diệt đế quốc, giải phóng đất nước. Mặc dù bị giam trong xà lim chờ thi hành án, nhưng đồng chí Hoàng Văn Thụ vẫn tiếp tục có những ý kiến chỉ đạo cụ thể cho phong trào đấu tranh ở trong tù và động viên tinh thần các chiến sĩ cách mạng đang bị giam cầm tại đây, kiên quyết vạch trần bộ mặt của những kẻ làm tay sai cho phát xít Nhật.
Với ý chí kiên cường và tâm hồn lạc quan của một người cộng sản, ngay trong những ngày trước khi lĩnh án tử hình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã làm những vần thơ đầy dũng khí cách mạng nhắn nhủ lại đồng chí, đồng bào của mình:
“Việc nước xưa nay có bại thành
Miễn sao giữ trọn được thanh danh
Phục thù chí lớn không hề nản
Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành.
Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm
Chí còn theo dõi buổi tung hoành
Bạn hỡi xa gần hăng chiến đấu
Trước, sau xin giữ tấm lòng thành”.
Rạng sáng ngày 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng tại trường bắn Tương Mai (Hà Nội). Trước mặt kẻ thù, Đồng chí đã nói những lời đanh thép: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là lẽ dĩ nhiên, chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Trong giờ phút vĩnh biệt đồng bào, đồng chí của mình, Đồng chí đã nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản, hiên ngang trước quân thù, hô vang:
- Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm!
- Việt Nam độc lập muôn năm!
Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng bào, đồng chí. Tuổi thanh xuân và cuộc đời đấu tranh cách mạng sôi nổi, đầy nhiệt huyết của người chiến sĩ cộng sản Hoàng Văn Thụ đã trở thành bài ca cách mạng vang mãi cho các thế hệ cách mạng Việt Nam trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
“Kẻ thù đã giết anh giữa lúc dân tộc đang cần những bàn tay cương quyết, những khối óc thông minh. Anh hi sinh rồi. Tấm thân hiên ngang tuy bị vùi lấp nhưng tinh thần trong sạch vẫn sáng mãi muôn đời…”.
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 - 04/11/2019) - Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam,là dịp để ôn lại cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng kiên cường, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ - Người con ưu tú của mảnh đất Xứ Lạng đã trọn đời chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập tự do của dân tộc. Đây cũng là dịp để tuyên truyền giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào và lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng, Bác Hồ và các thế hệ tiền bối; qua đó khơi dậy ý chí quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế./.
Nguồn: Kim Ngân – Nhà Văn hóa.