Đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, dữ liệu số ngành thư viện huyên Ea H’Leo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Triển khai kịp thời, có hiệu quả nội dung Chương trình chuyển đổi số ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn huyện. Nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số ngành thư viện, thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử huyện Ea H’Leo nói riêng và Chính quyền điện tử tỉnh Đắk Lắk nói chung. Thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện; đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của các tầng lớp Nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện.
Ảnh: minh họa nguồn internet
Theo kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, đối với thư viện huyện phấn đấu có trang thông tin điện tử, trang bị phần mềm quản lý thư viện điện tử, phần mềm thư viện số tập trung có liên kết với phần mềm của Thư viện tỉnh; thực hiện việc liên kết, chia sẻ và khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện; người làm công tác thư viện huyện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại. Đối thư viện cơ sở giáo dục phấn đấu 100% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ sở giáo dục khác được trang bị phần mềm quản lý thư viện, có Trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập; 100% người làm công tác thư viện được đào tạo và đào tạo lại, cập nhật các kiến thức, kỹ năng vận hành thư viện hiện đại.
Đến năm 2030 tiếp tục triển khai, đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số, dữ liệu số ngành thư viện; Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình, xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối, liên thông, chia sẻ, trao đổi tài nguyên thông tin số giữa các thư viện, đảm bảo cung ứng hiệu quả dịch vụ thư viện cho người sử dụng thư viện mọi lúc, mọi nơi; 100% tài liệu quý hiếm, tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học do thư viện huyện sưu tầm, thu thập, quản lý được số hóa; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về chuyển đổi số ngành thư viện thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức khác, lồng ghép trong các hoạt động, sự kiện liên quan.
Nguồn: Thương Tín – Phòng VHTT